Kết minh với Lỗ và Ngô Tấn_Điệu_công

Tháng 4 năm 570 TCN, Tấn hầu triệu Lỗ hầu đến hội thề ở Trường Xư. Tướng lễ của Lỗ là Trọng tôn Miệt sắp xếp cho Lỗ Tương công năm đó mới 5 tuổi làm lễ khấu đầu với Tấn hầu. Khi đó đại phu Kỳ Hề xin cáo lão về hưu, và tiến cử Giải Hổ, người từng có thù với mình lên thế chức, Điệu công ưng thuận. Đến đây Giải Hổ trước, Điệu công lại hỏi Kỳ Hề về người sẽ lên thay, Hề tiến cử con của mình là Kỳ Ngọ. Dương Thiệt Chức chết, Kỳ Hề tiến cử con Chức là Dương Thiệt Xích. Điệu công bèn dùng Ngọ làm Trung quân úy, Xích làm phó[3][24].

Lúc bấy giờ Tấn đã kết minh với Ngô để cùng nhau chống Sở. Nước Ngô ngày một hùng mạnh, uy hiếp mạnh mẽ phía đông nam nước Sở[25][26]. Tấn Điệu công bèn sai Vu Hồ Dung đi sứ Ngô quốc, thuyết phục vua Ngô Thọ Mộng đánh Sở. Vua Ngô nghe theo. Vào năm 570 TCN, quân Ngô đánh bại quân Sở. Tháng 6 năm đó, nhân nước Trịnh đã thần phục, Tấn Điệu công hội chư hầu ở đất Kê Trạch thuốc nước Tấn. Ở Lạc Dương, Chu Linh vương mới lên ngôi cũng sai Thiện tử tới dự thề với chư hầu. Tấn hầu sai Sĩ CáiTuân Ngô đến triệu Tề hầu và Ngô tử đến hội, nhưng hai vua này không tới.[27].

Trong hội thề Kê Trạch, em cùng mẹ với Tấn hầu là Dương Can nói năng ngông cuồng, không coi trọng kỉ luật trong quân, xúc phạm tới Ngụy Giáng. Ngụy Giáng bèn sai xử tử người giong xe của Dương Can. Dương Can đem việc báo với Tấn hầu. Tấn hầu tức giận, bàn với Dương Thiệt Xích về việc trị tội Ngụy Giáng. Vừa lúc đó Giáng cũng sai người đến tâu bày mọi việc, và cầm sẵn gươm xin chịu tội. Tấn hầu hiểu ra rằng Ngụy Giáng chỉ tuân theo kỉ luật chung, vội đến nỗi không kịp đi giày, ra xin lỗi Ngụy Giáng và phong làm Tân quân phó tướng[28][29]. Vì nước Hứa và nước Trần theo Sở mà không dự hội Kê Trạch, Tấn hầu sai Tuân Oanh xuất sư phạt Hứa và Trần. Trần Thành công vội sai Viên Kiều sang tạ lỗi với Tấn, và xin thần phục, còn nước Hứa ở gần Sở nên quân Tấn chưa đánh tới được.

Mùa đông năm 569 TCN, Tấn Điệu công mời tiệc đón Lỗ Tương công. Trong buổi tiệc, Trọng tôn Miệt Lỗ quốc xin lấy nước Tắng thuộc về quyền bá chủ của nước Lỗ, vua Tấn thuận theo.